
Có lẽ lần đầu tiên mình để ý đến lịch sử Scotland là sau khi xem phim “Trái Tim Dũng Cảm” do Mel Gibson đạo diễn và đóng vai chính. Phim kể về William Wallace, một chiến binh anh hùng cầm đầu quân khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của vua Anh Edward I.
💙 Cuối thế kỷ XIII, nước Anh dưới sự trị vì của vua Edward I đã đánh chiếm xứ Wales. Edward I có biệt hiệu là “Longshanks”, rất cao lớn và tính tình lại nóng nảy khiến cận thần cũng khiếp sợ. Edward là một nhà cầm quân đại tài và thường đích thân chinh chiến – một hình mẫu của bậc đế vương thời trung cổ. Tất nhiên đi kèm với việc giỏi về quân sự thì Edward cũng giỏi xâm lược và đầy tham vọng mở rộng lãnh thổ.
💙 Năm 1286, vua Alexander III của Scotland chết vì ngã ngựa. Người thừa kế duy nhất của ông là cô cháu ngoại Margaret, con gái vua Na Uy Eric II. Margaret lúc ấy mới 3 tuổi. Năm 1290, Margaret lâm bệnh và chết trên đường trở về Scotland khi mới 7 tuổi.
Ngôi vua Scotland đột nhiên bị bỏ trống mà không có người thừa kế chính thức, và đây là khởi nguồn của một cuộc tranh quyền đoạt lợi. Giới quý tộc Scotland không quyết định được nên chọn ai kế vị ngai vàng nên nhờ đến sự giúp đỡ của Edward I. Edward đồng ý nhưng với điều kiện ông ta phải được công nhận là overlord của Scotland*. Giữa 2 ứng cử viên “nặng ký” nhất cho ngôi vua là John Balliol và Robert V de Brus, Edward chọn John Balliol.
💙 Tất nhiên, ông vua trịch thượng này chỉ coi John Balliol như một con rối. Edward lạm quyền, can thiệp vào việc nội bộ của Scotland và thậm chí yêu cầu Scotland phải cung cấp binh lính cho ông ta trong cuộc chiến với Pháp. Tức nước vỡ bờ, năm 1296 John Balliol tấn công Carlisle ở phía Bắc của Anh. John không thành công ở Carlisle nhưng sự kiện này đã cho Edward cái cớ để tiến quân về phía Bắc. Đòn trả thù độc ác của Edward nhắm vào Berwick, một thị trấn gần biên giới. Đây là một cuộc thảm sát dân thường, máu đổ thành sông. Sau đó Edward nhanh chóng đánh bại quân Scotland, phế truất, giam John Balliol vào Tower of London và tước đoạt tảng đá thiêng vốn dùng trong lễ đăng quang của các vua Scotland. Tảng đá này được mang về Westminster Abbey và đặt vào một chiếc ngai, sau này được dùng làm ngai đăng quang cho các đời vua Anh sau đó (trong đó có cả nữ hoàng Elizabeth II hiện nay).
❤️Trong khi nhiều người trong giới quý tộc địa chủ Scotland không biết làm gì (đa số vì sợ bị ảnh hưởng tới quyền lợi) thì nghĩa quân nổi dậy khắp nơi, chống lại những quan chức địa phương người Anh do Edward bổ nhiệm. Hai trong số những người cầm đầu quân khởi nghĩa là Andrew Moray và William Wallace. Họ liên kết với nhau khá thành công trong những chiến dịch du kích nhỏ và tới tháng 8 năm 1297, họ đã nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Scotland về phía Bắc dòng sông Forth.
Tháng 9 năm 1297, Edward gửi một đạo quân hùng hậu tới Scotland để “dẹp loạn”. Trận chiến xảy ra gần Stirling, thị trấn nằm ngay phía Nam của sông Forth. Quân Scotland đóng ở phía Bắc dòng sông, bên kia cây cầu Stirling. Khi quân kỵ binh Anh vượt qua cầu, họ bị bộ binh Scotland đánh úp. Dù quân số ít hơn nhiều lần nhưng quân Scotland chiến thắng vang dội và thiệt hại rất ít.
❤️ Trận thắng cầu Stirling khiến tên tuổi 2 vị tướng trẻ trở nên lừng lẫy và họ được phong chức “Guardians of Scotland”. Tuy nhiên trận đánh này cũng lấy đi mạng sống của Andrew Moray. Andrew bị thương và qua đời khoảng 2 tháng sau đó. William Wallace tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập nhưng những thành công của ông dừng lại ở trận đánh Falkirk năm 1298. Chiến thuật của William khá hoàn hảo nhưng có một điểm mà ông đã không lường trước được: quân Anh có một loại vũ khí mới là longbow – một loại cung tên bắn được rất xa.
Sau thất bại nặng nề ở trận Falkirk, Wallace từ chức Guardian of Scotland. Một số chứng cứ lịch sử cho thấy ông rời khỏi Scotland sang lục địa để tìm sự trợ giúp của vua Pháp và Giáo Hoàng.
❤️ Wallace trở lại Scotland năm 1304 và đến tháng 8 năm 1305 thì bị bắt do bị một quý tộc Scotland thân Edward phản bội. Wallace bị nghị tội ở Westminster Hall và bị xử án “hanged, drawn and quartered” (án này rất dã man nên mình không muốn miêu tả ở đây).
💜 Cuộc đấu tranh giành độc lập cho Scotland được tiếp tục với Robert the Bruce. Robert là cháu nội của Robert V de Brus – một trong hai ứng cử viên cho ngôi vua mà mình kể ở trên. Dòng họ nhà Brus/Bruce là con cháu của vua David I – vua Scotland nửa đầu thế kỉ XII.
Robert lên ngôi vua Scotland tháng 3 năm 1306 khi Edward I vẫn đánh chiếm Scotland. Chỉ vài tháng sau, Robert thua trận ở Methven và phải lánh mặt một thời gian tới tháng 2 năm 1307 vì bị vua Anh truy sát. Sau nhiều năm chiến tranh dai dẳng, chiến thắng ở trận Bannockburn tháng 6 năm 1314 đánh dấu độc lập của Scotland, đẩy lùi quân xâm lược Anh Quốc – mặc dù mãi đến năm 1328 thì vua Anh Edward III (cháu nội của Edward I) mới ký hiệp ước hòa bình, công nhận Scotland là lãnh thổ độc lập và công nhận Robert là vua Scotland.
💜 Khi Robert qua đời, trái tim của ông được bỏ vào một hộp bạc. Sir James Douglas, một trong những bạn chiến đấu thân thiết và trung thành nhất của Robert mang trái tim ông tới Tây Ban Nha để tham gia cuộc thánh chiến chống lại người Moors. James Douglas chết trận ở Granada. Hài cốt của ông và trái tim của Robert được mang về lại Scotland. “Braveheart” là cái tên người ta đặt cho trái tim của Robert, hiện được chôn cất ở Melrose Abbey tại Roxburghshire, phía Nam Scotland.
🧡 Sau Robert, con trai ông là vua David II và những người giữ chức Guardian of Scotland (khi David còn quá trẻ) lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập lần thứ hai kéo dài 25 năm. Cuối cùng thì nước Anh cũng chấp nhận rằng việc đánh chiếm Scotland chẳng mang lại kết quả có lợi nào cho cả hai bên nên không còn quấy rầy Scotland từ đó. Năm 1707, hai vương quốc này sát nhập vào làm một và lấy tên là Kingdom of Great Britain, với thủ đô và chính quyền trung tâm ở London.
🧡 Tháng 9 năm 1997, đúng 700 năm sau chiến thắng cầu Stirling của William Wallace, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức để quyết định việc thành lập quốc hội Scotland (với quyền lực giới hạn được ủy quyền bởi chính phủ UK). Phần lớn dân Scotland ủng hộ ý tưởng này và quốc hội Scotland được thành lập sau cuộc bầu cử năm 1999. Tảng đá thiêng Stone of Destiny cũng được trả về với Scottland năm 1996 và được trưng bày tại Edinburgh Castle.
❤️ Phim “Trái Tim Dũng Cảm” theo mình nghĩ là một phim rất hay, mặc dù nó có rất nhiều chi tiết sai với lịch sử. Cái mà bộ phim đã làm được là in đậm vào trái tim người xem hình ảnh một người anh hùng là hiện thân của tinh thần Scotland – tinh thần bất khuất, đấu tranh đến cùng cho độc lập tự do.
“They may take our lives, but they will never take our freedom!”